Ngân hàng thương mại

Từ VWA - Cộng đồng cố vấn tài chính
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm


Ngân hàng thương mại là một tổ chức kinh doanh tiền tệ, với hoạt động thường xuyên là nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng trong nền kinh tế quốc dân.

Khi mới ra đời, Ngân hàng thương mại hoạt động chủ yếu là cho vay đối với lĩnh vực thương nghiệp, nhưng ngày nay hoạt động của nó đã mang tính tổng hợp và đa năng. Các Ngân hàng thương mại có quan hệ giao dịch với mọi khách hàng thuộc các lĩnh vực và các thành phần kinh tế khác nhau bằng nhiều loại dịch vụ ngân hàng khác biệt.


Sự ra đời[sửa]

Việc lưu hành những đồng tiền riêng của mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ kết hợp với thương mại và giao lưu quốc tế tạo ra yêu cầu đúc tiền và đổi tiền tại mỗi cửa khẩu hoặc trung tâm thương mại. Người làm nghề đổi tiền thường giàu có vì vậy họ thường có két tốt để cất giữ tài sản đảm bảo an toàn. Do yêu cầu cất trữ của các nhà buôn... nhiều người làm nghề đổi tiền thực hiện luôn cả nghiệp vụ cất giữ hộ. Việc cất giữ hộ và đổi tiền làm tăng thu nhập, tăng khả năng đa dạng các loại tiền, tăng quy mô tài sản của người kinh doanh tiền tệ. Từ các hoạt động thực tiễn, nhà kinh doanh tiền tệ nhận thấy thường xuyên có người gửi tiền vào và có người lấy tiền ra, song tất cả người gửi tiền không rút cùng một lúc nên đã tạo ra số dư thường xuyên ở trong két. Do tính chất vô danh của đồng tiền, nhà kinh doanh tiền tệ có thể sử dụng tạm thời một phần tiền gửi của khách hàng để cho vay nhằm mục đích kiếm lời và trở thành nhà kinh doanh ngân hàng. Các nhà kinh doanh tiền tệ đầu tiên dùng vốn tự có của mình để tài trợ cho hoạt động của họ bản chất là Ngân hàng tư nhân, nhưng điều này không kéo dài khi một số nhà kinh doanh tiền tệ tập hợp nhau để chống lại tín dụng nặng lãi, lập nên những hiệp hội tín dụng và là tiền thân cho sự hình thành của các Ngân hàng cổ phần.

Lịch sử phát triển[sửa]

Từ thế kỷ 15 - 18: Hoạt động của các ngân hàng nhìn chung là tương tự nhau: Phát hành tiền; Nhận tiền gửi; Cho vay.

Từ thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19: Bắt đầu hình thành các ngân hàng hoạt động chuyên doanh như ngân hàng phát hành tiền; ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng đầu tư.

Đến năm 1875 ở Anh đã có 118 ngân hàng, 1881 ở Pháp đã có 81 ngân hàng, 1864 ở Mỹ có 3600 ngân hàng.Đầu thế kỷ 19 do quy mô và phạm vi lưu thông hàng hóa phát triển, các ngân hàng lợi dụng ưu thế của mình phát hành một khối lượng lớn tiền tín dụng vào lưu thông, Nhà nước không thể kiểm soát được khối lượng tiền trong lưu thông và không đảm bảo tính chất của lượng tiền lưu thông đó. Nhà nước buộc phải can thiệp nhằm thiết lập trật tự cho việc phát hành tiền kết quả là: ở Châu âu đến thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Nhà nước đã ban hành các đạo luật chỉ cho phép một ngân hàng duy nhất được phép phát hành tiền và các ngân hàng còn lại thì chuyển thành ngân hàng thương mại; ở Anh, từ năm 1844 cấm các ngân hàng tư nhân, cổ phần phát hành thêm tiền và toàn bộ việc phát hành tiền được chuyển cho Anh quốc ngân hàng. Từ năm 1921, Anh quốc ngân hàng trở thành ngân hàng độc quyền phát hành tiền ở nước Anh.

Từ cuối TK 19 đến nay: Hệ thống ngân hàng hiện đại đã có những bước phát triển mới và hoàn thiện thực sự. Hình thành hệ thống ngân hàng 2 cấp: ngân hàng trung ương là ngân hàng phát hành tiền và thực hiện xây dựng, quản lý chính sách tiền tệ quốc gia; ngân hàng thương mại thực hiện cung cấp các dịch vụ tài chính trên cơ sở có lợi nhuận.

Các đặc trưng cơ bản[sửa]

  • Là một tổ chức được phép nhận tiền gửi với trách nhiệm hoàn trả.
  • Sử dụng tiền gửi của khách hàng để cho vay, tự doanh.
  • Thực hiện các khoản thanh toán và các dịch vụ khách hàng yêu cầu.

Các loại hình ngân hàng thương mại[sửa]

  • Căn cứ vào tiêu thức sở hữu và góp vốn, Ngân hàng thương mại chia thành bốn loại

Ngân hàng thương mại nhà nước: Là ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước, được thành lập bằng 100% vốn của ngân sách nhà nước cấp.

Ngân hàng thương mại cổ phần: Là ngân hàng được thành lập dưới hình thức một công ty cổ phần, vốn của nó là do các cổ đông đóng góp.

Ngân hàng thương mại liên doanh: Là ngân hàng được thành lập dưới hình thức góp vốn liên doanh giữa các đối tác sở hữu khác nhau.

Ngân hàng thương mại nước ngoài, bao gồm: Chi nhánh là ngân hàng được thành lập theo pháp luật và thuộc sở hữu của nước ngoài và ngân hàng 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài được chính phủ nước sở tại cấp giấy phép hoạt động và tuân thủ theo pháp luật của nước đó.

  • Căn cứ vào tiêu thức số lượng chi nhánh, Ngân hàng thương mại được chia thành hai loại

Ngân hàng thương mại duy nhất: Là loại hình Ngân hàng thương mại chỉ có một hội sở hoạt động duy nhất trên phạm vi lãnh thổ quốc gia.

Ngân hàng thương mại mạng lưới: Là loại hình Ngân hàng thương mại có hội sở trung ương và các chi nhánh hoạt động trên lãnh thổ quốc gia và ở nước ngoài

  • Căn cứ vào tiêu thức chuyên môn hóa hoạt động, Ngân hàng thương mại được chia thành hai loại

Ngân hàng thương mại chuyên ngành: Là Ngân hàng thương mại chuyên phục vụ cho một, hay một nhóm ngành kinh tế.

Ngân hàng thương mại đa ngành: Là Ngân hàng thương mại phục vụ cho mọi ngành kinh tế trên một địa bàn nhất định.

Chức năng của Ngân hàng thương mại[sửa]

Chức năng trung gian tín dụng: Ngân hàng thương mại huy động các khoản tiền nhàn rỗi từ các chủ thể trong nền kinh tế từ doanh nghiệp đến cá nhân, hộ gia đình ...để hình thành nguồn vốn cho vay, sau đó sử dụng nguồn vốn này để cho các chủ thể kinh tế thiếu vốn, có như cầu bổ sung vốn, gửi vào các tài khoản dự trữ bắt buộc hoặc tài khoản thanh toán tại Ngân hàng trung ương, Ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tín dụng khác. Đây là chức năng cơ bản và quan trọng nhất của Ngân hàng thương mại.

Chức năng trung gian thanh toán: Ngân hàng cung cấp các dịch vụ mở tài khoản tiền gửi, nhận vốn tiền gửi vào tài khoản và thanh toán theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ có chức năng này, Ngân hàng thương mại đã góp phần giám sát kỷ luật hợp đồng kinh tế, tài chính và thanh toán theo đúng quy định của pháp luật Nhà nước.

Chức năng tạo tiền: Từ một khoản tiền gửi ban đầu, thông qua cho vay bằng chuyển khoản trong hệ thống Ngân hàng thương mại, số tiền gửi đã tăng lên gấp bội so với số tiền gửi ban đầu. Mở rộng tiền gửi là chức năng vốn có của hệ thống Ngân hàng thương mại, gắn liền với hoạt động tín dụng và thanh toán. Khả năng tạo tiền phụ thuộc vào các yếu tố như: tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ dự trữ dư thừa giữa lượng tiền mặt so với tiền gửi thanh toán... Việc tạo ra tiền chuyển khoản thay thế cho tiền mặt là một sáng kiến quan trọng với lịch sự hoạt động của ngân hàng. Chính nhờ phương thức độc đáo này đã tiết kiệm được chi phí lưu thông và đưa ngân hàng trở thành trung tâm của đời sống kinh tế - xã hội.

Các hoạt động của ngân hàng thương mại[sửa]

Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu lợi nhuận. Theo đặc điểm hoạt động, các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại bao gồm:

Các hoạt động kinh doanh chủ yếu

  • Nhận tiền gửi của tổ chức cá nhân dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi (nếu có) theo thỏa thuận.
  • Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
  • Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh tóan; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.

Các hoạt động kinh doanh khác

  • Vay vốn của ngân hàng trung ương, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính: Ngân hàng thương mại được vay vốn của Ngân hàng trung ương dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng trung ương các quốc gia. Bên cạnh đó các Ngân hàng thương mại cũng được vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
  • Kinh doanh cung ứng dịch vụ ngoại hối và sản phẩm phái sinh: Các Ngân hàng thương mại được kinh doanh, cung ứng dịch vụ cho khách hàng ở trong nước và nước ngoài ngoại hối và các sản phẩm phái sinh về tỷ giá, lãi suất, tiền tệ và các tài sản tài chính khác. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh này phải được sự chấp thuận bằng văn bản của ngân hàng nhà nước và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
  • Kinh doanh giấy tờ có giá: Ngân hàng thương mại được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc, mua bán công cụ chuyển nhượng, trái phiếu chính phủ, tín phiếu Kho bạc, Tín phiếu Ngân hàng trung ương và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ.
  • Góp vốn mua cổ phần: Theo quy định của luật các tổ chức tín dụng, các Ngân hàng thương mại chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để mua và góp vốn cổ phần.
  • Cung ứng dịch vụ: Bao gồm một số nghiệp vụ sau, nghiệp vụ ủy thác đại lý, dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn ngân hàng, tài chính, tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư. Dịch vụ môi giới tiền tệ, lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan.

Tham khảo[sửa]

Giáo trình quản trị ngân hàng thương mại - PGS. TS. Đinh Xuân Hạng - TS. Nghiêm Văn Bảy

Liên kết ngoài[sửa]

https://kdtqt.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/33/2750/lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-ngan-hang-thuong-mai-phan-1